Theo đó, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó: Có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao); có 44 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; không có xã chỉ đạt dưới 10 tiêu chí; số tiêu chí bình quân đạt 15,46 tiêu chí/xã. Ngoài ra, toàn tỉnh phấn đấu sẽ có 650 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 50,9% tổng số thôn bản trên địa bàn nông thôn của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Gắn kết quả xây dựng nông thôn mới với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đơn vị. Huy động tối đa các nguồn lực, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội và ngân sách các cấp để xây dựng nông thôn mới…
|
Tỉnh Điện Biên phấn đấu đến năm 2025 có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 44 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới |
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo “Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh… phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để hỗ trợ thực hiện các nội dung của chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững. Tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện chương trình. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.
Trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện nội dung của Chương trình, đồng thời phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện ở cơ sở. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, toàn tỉnh đã có 65/115 xã nông thôn đạt tiêu chí số 5 về Trường học; 74/115 xã nông thôn đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo.
Giai đoạn 2021-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo phấn đấu sẽ có 100 xã nông thôn đạt tiêu chí số 5 về Trường học (tăng 35 xã so với năm 2021), có 97 xã nông thôn đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo (tăng 23 xã so với năm 2021). Để đảm bảo thực hiện đạt và vượt mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đến năm 2025. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong ngành giáo dục và người dân. Tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới; trong đó ưu tiên đối với công tác củng cố và nâng cao kết quả phổ cập GDMN, phổ cập GDTH, phổ cập GDTHCS, xóa mù chữ. Tăng cường các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo đúng tiến độ, có chất lượng, đúng quy định./.