Theo quy định, dân tộc còn gặp nhiều khó khăn là dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng một trong các tiêu chí sau: có tỷ lệ hộ nghèo lớn hơn từ 1,5 lần trở lên so với bình quân chung tỉ lệ hộ nghèo của 53 dân tộc thiểu số; có tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông của 53 dân tộc thiểu số; có tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi lớn hơn 1,5 lần so với bình quân chung tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi của 53 dân tộc thiểu số.
Cầu treo vào bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên Dân tộc có khó khăn đặc thù là dân tộc thiểu số sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, có dân số dưới 10.000 người.
Giai đoạn 2021-2025, có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Danh sách 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn bao gồm: La Hủ, Phù Lá, La Chí, Kháng, Hà Nhì, Xinh Mun, Co, Tà Ôi, Cơ Tu, Khơ Mú, Bru - Vân Kiều, Mnông, Raglai, Xơ Đăng, Mông, S'tiêng, Gia Rai, Dao, Nùng, Tày, Sán Chay, Lào, Giáy, Giẻ Triêng, Mường, Bahnar, Hrê, Chăm, Ê Đê, Cơ Ho, Khmer, Mạ.
Có 14 dân tộc có khó khăn đặc thù gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cờ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn, La Ha.
Các dân tộc có khó khăn đặc thù được phê duyệt ở trên được tiếp tục thụ hưởng các chính sách áp dụng đối với các dân tộc thiểu số rất ít người đã ban hành và còn hiệu lực./.