Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Khuyến học tỉnh khoá IV, nhiệm kỳ (2019-2024), Hội Khuyến học tỉnh Điện Biên đã tích cực quan tâm đến công tác củng cố và xây dựng tổ chức Hội, phát triển hội viên gắn với tổ chức các nội dung hoạt động của Hội trên các địa bàn. Thường trực Hội khuyến học tỉnh luôn nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Hội, với vai trò quyết định đến chất lượng phong trào hoạt động của Hội, coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách tổ chức hội từ cấp tỉnh đến cơ sở là quan trọng và cần thiết. Đồng thời, xác định phải làm tốt nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phát triển tổ chức hội và hội viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cơ sở để xây dựng và phát triển sâu rộng phong trào.
Sau đại hội nhiệm kỳ, Hội Khuyến học các cấp đã thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, tổng số đội ngũ cán bộ chủ chốt của Hội cấp tỉnh, huyện, xã (gồm cán bộ lãnh đạo chuyên trách và kiêm nhiệm): là 386, trong đó số lãnh đạo kiêm nhiệm là 330, số lãnh đạo chuyên trách là cấp tỉnh, huyện, xã là 56, số lãnh đạo hội các cấp là Uỷ viên BCH hội cựu giáo chức các cấp là 71, số lãnh đạo là Uỷ viên Hội người cao tuổi các cấp là 50. Nhằm thực hiện tốt sự phối hợp giữa Hội Khuyến học các cấp với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, tổ chức hoạt động xây dựng xã hội học tập cũng như phối hợp trong tổ chức hoạt động khuyến học khuyến tài. Trong cơ cấu Thường trực Hội của BCH Hội cấp tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là Phó Chủ tịch Hội kiêm nhiệm; trong cơ cấu thành phần các BCH cấp huyện, 100% các đồng chí Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm. Trong cơ cấu BCH hội cấp xã, 100% Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là Hiệu trưởng trường THCS hoặc Hiệu trưởng trường Tiểu học. Khi thực hiện lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở, Hội Khuyến học tỉnh thường xuyên định hướng tìm và chọn cán bộ chuyên trách đối với các cơ sở Hội là những công dân đủ phẩm chất và các tiêu chuẩn quy định, là những công dân tâm huyết với công tác khuyến học khuyến tài, am hiểu về sự nghiệp giáo dục, là công dân có uy tín trong cộng đồng và có sức khoẻ, đó là những yếu tố hết sức cần thiết cho những cán bộ làm công tác phong trào Hội. Thường trực Hội cũng định hướng cần vận động những đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục đã nghỉ hưu, đặc biệt là cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc thiểu số hoặc nhà giáo đã công tác nhiều năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những cán bộ đảng viên đã nghỉ hưu nhưng có uy tính trong cộng đồng tham gia công tác hội ở cấp cơ sở vì đó là những cá nhân có khả năng tuyên truyền, hiểu về tập quán của dân, có nhiều kinh nghiệm vận động thuyết phục hội viên và người dân, có uy tín và có kinh nghiệm tổ chức xây dựng xã hội học tập.
Thực tiễn trong nửa đầu nhiệm kỳ khoá IV, đánh giá khách quan về các cơ sở Hội trong toàn tỉnh đều có nhiều cố gắng trong triển khai nhiệm vụ công tác hội, nhiều cơ sở hội có chất lượng hoạt động tốt. Trong số các cơ sở hội có số lãnh đạo Hội là chuyên trách việc tổ chức hoạt động có nhiều thuận lợi và đã phát huy tốt trong công tác tham mưu với lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và tích cực trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Các nội dung tuyên truyền về Chủ trương của Đảng và Chính phủ về khuyến học khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, triển khai các Đề án, Chương trình về hoạt động xây dựng xã hội học tập như thực hiện Quyết định 281, thí điểm xây dựng mô hình Công dân học tập, công tác vận động và tư vấn kiểm tra phong trào thường xuyên ở cơ sở, triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Hội Khuyến học Việt Nam, Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng phong trào học tập suốt đời giai đoạn 2021-2030…, đối với các đơn vị có cán bộ làm chuyên trách đã có sự thuận lợi và chủ động, khẩn trương làm tốt công tác tham mưu với Lãnh đạo cấp huyện triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho cơ sở tại cấp huyện đầy đủ, chu đáo, hiệu quả. Thực tiễn thời gian qua, những cán bộ chuyên trách đã thường xuyên liên hệ với thường trực hội cấp tỉnh xin ý kiến và trao đổi giải pháp tháo gỡ, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh ở cơ sở để làm công tác vận động cũng như công tác kiểm tra tư vấn cho cơ sở; đội ngũ chuyên trách đã có thời gian nhiều hơn để triển khai công việc đảm bảo đúng kế hoạch tiến độ quy định; đội ngũ chuyên trách đa số đã rất tâm huyết với công việc, với khả năng vận động thuyết phục và có thời gian đi đến các cơ sở hội để cùng bàn bạc và triển khai các nhiệm vụ phù hợp thực tế trên địa bàn. Từ kết quả thực tiễn trong nửa đầu nhiệm kỳ cũng như ở các nhiệm kỳ trước đã cho thấy sự cần thiết và quan trọng của đội ngũ thường trực hội chuyên trách các cấp. Đồng thời với xây dựng đội ngũ chuyên trách, lựa chọn và xây dựng đội ngũ thư ký Hội ở cấp huyện và cấp xã rất quan trọng. Đa số đội ngũ thư ký trong nửa đầu nhiệm kỳ đã làm tốt công tác xử lý nghiệp vụ, công tác thống kê, phân tích tổng hợp và báo cáo, nhất là trong nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Qua thực tiễn, trong nửa đầu nhiệm kỳ, đối với các Hội Khuyến học cấp huyện chưa có thường trực hội chuyên trách thì vai trò của cán bộ làm công việc Thư ký càng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại tất cả các thư ký đều là cán bộ chuyên môn phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với hội cấp huyện) hoặc giáo viên của trường học cơ sở (đối với hội cấp xã) được phân công nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm nên cũng bận nhiều công việc về chuyên môn nên chỉ dành được thời gian nhất định cho hoạt động về khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập và khi làm việc không có chế độ thù lao. Mặt khác, do yêu cầu luân chuyển vị trí việc làm, nên một số đơn vị cấp huyện đội ngũ thư ký thay đổi, từ đó đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng phong trào trong những thời điểm nhất định. Vì vậy trong thời gian tới và trong nhiệm kỳ tới, việc giải quyết lựa chọn và bố trí có đủ đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội từ tỉnh đến cơ sở và xây dựng đội ngũ thư ký hội có chất lượng là hết sức cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội các cấp.
Kinh nghiệm rút ra về công tác xây dựng đội ngũ chuyên trách và thư ký giúp việc:
- Thường trực hội các cấp cần chủ động trong việc tuyên truyền vận động các cán bộ có phẩm chất, có năng lực vận động, nhiệt tình, có uy tín, có sức khoẻ để tham gia trong cơ cấu nhân sự thường trực hội trong nhiệm kỳ tới, không để bị động trong công tác nhân sự.
- Tổ chức các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị về nghiệp vụ công tác Hội đến cán bộ làm khuyến học cấp huyện và cấp xã.
- Công tác kiểm tra tư vấn xây dựng phong trào gắn với xây dựng đội ngũ, nắm chắc tình hình cơ sở và có giải pháp khen thưởng động viên kịp thời đội ngũ cán bộ hội làm tốt, qua đó khích lệ đối với cá nhân, tập thể tiếp tục phát huy kết quả hoạt động.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Hội Cựu Giáo chức, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh để phát hiện, tuyên truyền, vận động lực lượng tham gia tổ chức hội, đặc biệt xây dựng nhân tố là người đứng đầu dòng họ, cộng đồng tích cực hỗ trợ hoạt động học tập suốt đời trên địa bàn, nhất là ở địa bàn vùng cao vùng khó khăn.
- Làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ và chính quyền các cấp, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm đến hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và quan tâm đến xây dựng, hỗ trợ đội ngũ làm chuyên trách khuyến học cơ sở.