Tốt nghiệp khoa Toán - Tin, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên năm 2003, em về nhận công tác tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên. 18 năm gắn bó với Ngôi nhà chung chuyên Lê Quý Đôn này, cũng là chừng ấy năm em “lấy” đi ở chúng tôi, “lấy” đi ở học trò nhiều thế hệ những tình cảm thân yêu, quý trọng.
Nghề giáo không hẳn là ước mơ thuở nhỏ của em mà đó là một cơ duyên, nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Nhờ định hướng của cha mẹ và sự ảnh hưởng từ cô giáo chủ nhiệm 3 năm cấp ba mà cuộc đời em đã có bước ngoặt để đến bây giờ em làm cô giáo đã gần 20 năm. Ban đầu, trong suy nghĩ tưởng tượng của em, công việc này chắc ít có những biến động và không quá vất vả. Nhưng khi bước chân vào học việc rồi trực tiếp giảng dạy cho học trò, em mới thấy nghề giáo có nhiều điều thú vị, mới mẻ và cũng không ít khó khăn thử thách. Tình yêu, niềm say mê với nghề của cô giáo trẻ được nhân lên từ những ngày đó để em ngày càng hứng thú hơn với công việc và tự hào hơn về sự nghiệp “trồng người” mà em đang theo đuổi.
Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thanh Thủy
Công tác giảng dạy ở một trường THPT Chuyên, ý thức được nhiệm vụ sứ mệnh của mình và đồng nghiệp là phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng hoc sinh tài năng cho nên nếu chỉ yêu nghề thôi thì chưa đủ, em đã tiếp tục tham gia khóa đào tạo Thạc sĩ nhằm nâng cao kiến thức chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu của công việc. Chưa kể Toán học vốn là môn học được cho là khô và khó vì thế nhiều học sinh không hứng thú, thậm chí còn sợ học môn Toán. Việc tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả, thiết kế được nhiều bài học hay và bổ ích, tạo được hứng thú học tập cho các em học sinh là điều mà em trăn trở nhất. Đây cũng là động lực thôi thúc bản thân em không ngừng khám phá, sáng tạo, tìm tòi những cách giải quyết hay và mới trong mỗi giờ lên lớp giúp học trò chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện tư duy Toán học và vượt qua nỗi sợ môn Toán một cách nhẹ nhàng tự nhiên.
Nhận thấy ở em niềm say mê với nghề nghiệp, cách làm việc nghiêm túc khoa học hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường không ngần ngại giao nhiệm vụ Tổ trưởng tổ Toán – Tin cho em. Tại “gia đình nhỏ” em đã lan tỏa đam mê ấy tới các thành viên để mọi người cùng gắn kết chia sẻ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trải lòng thêm về những băn khoăn trăn trở của mình, em nói: “Yêu nghề thôi chưa đủ, tình yêu với ngôi trường nơi họ đang giảng dạy cũng là yếu tố giúp họ có thêm động lực để cống hiến. Ở môi trường làm việc có người đồng hành thân thiện, thấu hiểu tâm tư để chia sẻ, động viên sẽ giúp giáo viên duy trì được ngọn lửa đam mê với nghề và vững bước hơn trong sự nghiệp trồng người”.
Gần 20 năm gắn bó với trường Chuyên, em đã viết nên bản thành tích dài thật đáng ngưỡng mộ, nó dài hơn cả số năm công tác của em. 15 năm liên tục em đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, cấp tỉnh. Nhiều năm được phân công phụ trách đội tuyển Học sinh giỏi các cấp và đạt kết quả cao trong đó có 221 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh, 9 lượt học sinh giỏi cấp Quốc gia. Những học sinh giỏi Toán được em bồi dưỡng khi tham gia các sân chơi trí tuệ hoặc các kì thi Học sinh giỏi khác như: thi HOMO, HOMC (Giải toán bằng tiếng Anh) do Hội toán học Hà Nội tổ chức, kì thi Toán quốc tế giữa các thành phố (ITOT), thi Học sinh giỏi các trường Chuyên miền núi phía bắc, thi giải toán trên mạng Internet tiếng Việt cấp quốc gia, thi giải Toán tiếng Anh trên mạng Internet cấp quốc gia, thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia đều đạt thành tích cao với 52 lượt học sinh đạt giải. Năm 2020 em còn kết nối để học sinh đội tuyển Học sinh giỏi quốc gia tham gia cuộc thi Trải nghiệm VMO online do tập thể các giáo viên ôn thi VMO có uy tín tổ chức, thi Olympic Hình học Iran mở rộng để học sinh có những trải nghiệm thú vị về môn học. Ngoài công tác bồi dưỡng học sinh giỏi em còn tham gia các khóa luyện thi đại học, trên 400 học sinh của em đỗ vào các trường đại học trong đó có nhiều em đứng ở vị trí tốp đầu. Nhiều học sinh của em đã trưởng thành, đi xa học tập, công tác ở nước ngoài nhưng bao giờ cũng nhớ về cô giáo của mình với lòng biết ơn, kính trọng.
Cô Trần Thị Thanh Thủy và em Phạm Huy Bình đón nhận Bằng khen
tại Lễ Tuyên dương Gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học
năm học 2016-2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức
Chưa hài lòng với kết quả đã đạt được, em còn tích cực đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học. Đến nay em có 15 sáng kiến kinh nghiệm (13 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp cơ sở, 02 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp tỉnh). Những sáng kiến kinh nghiệm của em chủ yếu tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học cũng như chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp môn Toán vì thế có tính ứng dụng cao, là nguồn tài liệu tham khảo quý với đồng nghiệp.
Cô Thanh Thủy cùng đồng nghiệp và các học sinh đội tuyển Quốc gia Toán năm 2021
Gần 20 năm say mê với sự nghiệp “trồng người”, 13 năm được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 01 năm được công nhận chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 07 bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Liên đoàn lao động tỉnh Điện Biên và nhiều giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, phần thưởng quý nhất cho những nỗ lực phấn đấu bền bỉ của em trong suốt năm tháng qua đó là em được Chủ tịch trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Là đồng nghiệp của em, công tác cùng em từ những ngày đầu em về mái trường này nên tôi hiểu, dù có bề dày thành tích như thế nhưng ở em vẫn còn đó nhiều ưu tư trăn trở về nghề nghiệp, về học trò, về mái trường mà chúng tôi gắn bó “Theo tôi phải làm cho các em học sinh yêu thích môn Toán bởi trẻ em phải thích cái gì, thì học cái đó mới hiệu quả nhất. Ghét cái gì thì tâm lý sẽ bị ức chế, học không vào. Vậy muốn hiệu quả, đầu tiên phải có tâm lý tích cực về môn toán, giải toả ức chế nếu có. Phải làm cho các giờ học Toán trở nên vui vẻ, hứng thú và hấp dẫn. Để làm được điều này tôi nghĩ trước tiên mỗi giáo viên phải “tự thay đổi” để các em học sinh yêu thích thầy cô dạy bộ môn trước, từ yêu thích, học sinh sẽ sẵn sàng hợp tác với các giáo viên hơn trong các tiết học và tin vào các chỉ dẫn của các thầy, cô.”
Cô Thanh Thủy (giữa) cùng các học sinh trong tiết học STEM, chủ đề Nón Noel
Có lẽ những ưu tư ấy cũng là mong muốn chân thành mà em muốn gửi tới những người đồng nghiệp của mình. Bởi em không muốn mình mãi là những người đi trước mà em muốn có những người bạn đồng hành thân thiện, cùng chí hướng như em từng chia sẻ.
Trò chuyện cùng em vào những ngày mưa, tôi hiểu con đường phía trước em đi còn nhiều gian nan thử thách nhưng vẫn nụ cười ấy, em như muốn truyền đến cho tôi nguồn năng lượng tích cực, cái nhìn lạc quan của em về cuộc sống.
Xin mượn lời chia sẻ của một học trò xuất sắc (em Lê Minh Thư - Học sinh chuyên Toán khóa 2013-2016, hiện đang học tập tại Cộng Hòa Liên bang Đức) về em để thay cho lời kết “Cô không chỉ người thầy mà còn là một người bạn, người truyền cảm hứng cho em, để bây giờ nhớ lại quãng thời gian cấp 3 tuyệt vời đó, em nghĩ em vẫn sẽ "phải lòng" lớp Toán 18 một lần nữa. Ở cô, em thấy được một nguồn năng lượng tích cực mà không dễ gì tìm thấy, để rồi sau này đi xa, gặp gỡ nhiều người, đi qua nhiều vùng đất mới, trải nghiệm muôn vàn lối sống khác nhau, em mới nhận ra nguồn năng lượng tươi trẻ đó quý giá đến nhường nào. Và hình như cũng chưa bao giờ em nói lời cám ơn trực tiếp đến cô, về việc em đã được dạy dỗ trong tình yêu và sự bao dung chứ không phải nỗi sợ nếu chẳng may vấp ngã. Cám ơn cô, cô giáo đặc biệt nhất của em!”
Cảm ơn em, người đồng nghiệp của tôi !
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn