Cô giáo Khiếu Thị Hồng Thắm sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng; tính đến năm học này vừa tròn 13 năm cô đứng trên bục giảng, cô luôn tận tụy, tâm huyết với nghề dạy học. Có lẽ vì thế mà cô giáo trẻ Hồng Thắm luôn đạt được những thành tích xuất sắc trong giảng dạy cũng như trong công tác. Và điều quan trọng, ý nghĩa hơn cô đã để lại cho các em học sinh các dân tộc những tình cảm quý mến và sự trân trọng của các bậc cha, mẹ học sinh, sự tin yêu của bạn bè, đồng nghiệp.
Tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, khoa Sinh – Địa năm 2004, cô giáo Thắm tình nguyện về giảng dạy tại Trường trung học cơ sở (THCS) Nà Bủng thuộc xã vùng sâu, vùng xa biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé (nay là Huyện Nậm Pồ) Tỉnh Điện Biên; với 99% học sinh là người dân tộc Mông. Đời sống gia đình các em ở đây phần lớn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; có những em đến trường manh áo chưa lành, bữa cơm chưa no; một số em thường xuyên nghỉ học ở nhà lao động giúp bố mẹ. Làm thế nào để các em đến lớp đầy đủ và chăm chỉ học hành là điều trăn trở của Ban giám hiệu cùng các thầy, cô giáo trong nhà trường.
Thông cảm, sẻ chia với các em, cô đã cùng với nhà trường tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hội cha mẹ học sinh thường xuyên tuyên truyền, vận động các em ra lớp; nhiều lần cô trèo đèo, lội suối, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động các em ra lớp; kiên trì, nhẫn lại cô cùng với nhà trường đã thành công trong việc vận động và duy trì sĩ số học sinh. Cô cho biết: vận động học sinh ra lớp đã khó, duy trì học sinh còn khó hơn, song khó khăn hơn nữa vẫn là việc tiếp thu kiến thức, làm cho các em học sinh ở đây yêu thích, hứng thú với các môn học, nhất là môn sinh học. Bởi lẽ, mặc dù đã là học sinh trung học cơ sở nhưng do điều kiện cũng như môi trường sống nên vốn từ ngữ, sự hiểu biết của các em còn hạn chế. Tôi nghĩ đây là một việc làm khó, song khó vẫn có thể làm được, miễn là mình có sự quyết tâm.
Tuân thủ quy trình và phương pháp dạy học mới “lấy học sinh làm trung tâm”, “dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”, cô giáo Thắm đã thường xuyên tìm tòi nghiên cứu, tự học và sáng tạo, đổi mới phương pháp truyền thụ kiến thức phù hợp với tâm lý, đối tượng học sinh, làm cho các em dễ nhớ, dễ hiểu. Cô luôn gắn các bài học với thực tiễn cuộc sống để học sinh dễ hình dung, dễ hiểu và dễ vận dụng. Em Mùa A Thắng - Lớp 8A Trường PTDTBT THCS Nà Bủng: Cô Thắm giảng bài rất dễ hiểu, em rất thích học môn học của cô. Bên cạnh đó cô luôn quan tâm dạy dỗ chúng em, em rất yêu mến cô. Dù ở cương vị nào thì cô Thắm vẫn luôn gương mẫu, nỗ lực trong mọi hoạt động, tạo nên sự thân thiện, tin tưởng, gắn kết giáo viên trong trường cùng đồng lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Cô giáo Khiếu Thị Hồng Thắm (người đứng giữa) và học sinh lớp chủ nhiệm
Kết quả học tập qua các năm, lớp do cô làm chủ nhiệm luôn dẫn đầu trong toàn trường về chất lượng, nhất là môn Sinh học; năm học 2015-2016 lần đầu tiên có học sinh của Trường đạt học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh do cô Thắm trực tiếp giảng dạy. Thầy giáo Đỗ Xuân Thủy - Phó hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Cô giáo Thắm luôn học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm. Cô luôn tâm huyết với nghề, sáng tạo, tích cực học hỏi trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên trao đổi về chuyên môn, phương pháp giảng dạy với đồng nghiệp; cô thực sự là một tấm gương tự học và sáng tạo. Cô luôn chân tình với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp trong cuộc sống cũng như trong công việc; thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của nhà trường, của ngành; tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua của cấp trên, của ngành giáo dục và các hoạt động của nhà trường.
Một buổi sinh hoạt chuyên đề của các thầy cô tổ Sinh – Hóa – Địa
Với sự nỗ lực phấn đấu hết mình vì sự nghiệp trồng người, những năm qua, cô giáo trẻ Khiếu Thị Hồng Thắm đã được ghi nhận qua các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, năm học 2015-2016, Khiếu Thị Hồng Thắm là cô giáo duy nhất của Phòng giáo dục huyện được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên. Bằng sự cống hiến hết mình cho ngành giáo dục, cô giáo trẻ Khiếu Thị Hồng Thắm thật sự là một tấm gương sáng trong sự nghiệp gieo chữ ở vùng cao./.