Theo Quyết định 231, tới đây tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN, KCX, KKT) - những nơi tập trung đông công nhân lao động đang sống và làm việc - sẽ được khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”. Đây là mô hình thực sự phù hợp như mong muốn của công đoàn các cấp để đẩy mạnh các hoạt động tăng cường xây dựng đời sống văn hóa phục vụ công nhân lao động. Quyết định nêu rõ, trên cơ sở thống kê, rà soát, khảo sát thực tế hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các KCN, KCX, KKT, đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách, báo, máy tính kết nối Internet cho các điểm sinh hoạt văn hóa CN để xây dựng “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” có đủ điều kiện hoạt động hiệu quả. Các địa phương có đông công nhân lao động đang làm việc cần vận động các KCN, KCX, KKT ưu tiên bố trí diện tích nhà cho “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phù hợp với quy mô công nhân và giao cho công đoàn các KCN quản lý để phục vụ công nhân lao động học tập, sinh hoạt văn hóa.
Đề án đặt mục tiêu vận động, tạo điều kiện để 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc doanh nghiệp tự đào tạo); 50% công nhân lao động được đào tạo lại, 40% công nhân lao động có tay nghề cao. Vận động, tạo điều kiện để 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 60% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học...
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của đề án là tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức, DN để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập. Cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề nghiệp, luyện tay nghề, thi thợ giỏi… cho công nhân lao động. Theo đó, các DN tạo điều kiện cụ thể về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất; động viên, khuyến khích công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; vận động các doanh nghiệp xây dựng Quỹ “Khuyến khích học tập” nâng cao tay nghề để hỗ trợ, động viên, tặng học bổng, khen thưởng công nhân lao động tích cực và có thành tích cao trong học tập.
Đoàn Trần Hiệp- Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học